Thông tin
Ai đang thâu tóm cổ phiếu logistics hậu SCIC thoái vốn?
SWC và VTX – Điểm đến mới của những cái tên quen thuộc
Diễn biến giao dịch cp SWC và VTX 3 tháng gần đây
|
Cuối năm 2015, hai mã chứng khoán trên sàn UPCoM bỗng nhiên trở thành tâm điểm chú ý của nhà đầu tư khi giá cổ phiếu liên tục leo lên những nấc cao mới. Cổ phiếu của Tổng CTCP Đường sông Miền Nam (SWC) và CTCP Vận tải Đa phương thức (VTX) đã liên tục bứt phá, SWC tăng từ 6,800 đồng/cp lên 15,000 đồng/cp trong khi VTX tăng từ mức gần 10,000 đồng/cp lên 15,400 đồng/cp trong tháng 12/2015 và những ngày đầu tháng 01/2016. Mặc dù trước đó giá cả hai cổ phiếu này đều ở trạng thái đi ngang với thanh khoản chỉ vài chục hay vài trăm đơn vị/phiên, thậm chí có khi còn không có thanh khoản.
Điểm chung của SWC và VTX là đều là những doanh nghiệp trong ngành logistics, thuộc danh sách thoái vốn của Tổng Công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) với tỷ lệ quá bán (67% vốn của SWC và 59% vốn của VTX). Và đặc biệt hơn, những nhà đầu tư (NĐT) “gom hàng” đều ít nhiều liên quan đến nhóm cổ đông đã “nuốt trọn” hai doanh nghiệp logistic trên sàn trước đó là CTCP Kho vận Miền Nam (HOSE: STG) và CTCP MHC (HNX: MHC).
Dường như hai cái tên mới nổi trên sàn UPCoM là nước đi tiếp theo của một nhóm nhà đầu tư đang từng bước thâu tóm chuỗi các doanh nghiệp logictis “hậu” SCIC?
Đối với SWC, nhiều cổ đông lớn mới xuất hiện vào đầu năm 2016 thay thế SCIC, trong đó phần đa là những cá nhân. Tuy nhiên đây chỉ là bước đệm. Trong vòng 1 tháng sau đó, cơ cấu cổ đông tại SWC tiếp tục biến động mạnh, những cá nhân mới rút lui và các “ông lớn tổ chức” lộ diện như CTCP Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần (ITL Corp) hay Quản lý quỹ IB. Còn hai tổ chức là CTCP SCI (S99) và CTCK IB (VIX) công khai danh tính từ đầu vẫn giữ nguyên vị trí.
Biến động cổ đông của SWC kể từ sau khi SCIC đăng ký thoái vốn (06/01/2016)
Nguồn: VietstockFinance
|
Câu chuyện hậu SCIC tương tự với VTX, NĐT gom mua gồm 3 tổ chức và 1 cá nhân. Trong đó, S99 tiếp tục xuất hiện với sở hữu gần 4.2 triệu cp (gần 20% vốn); CTCP Cung ứng & DV Kỹ thuật Hàng hải (HNX: MAC) nắm 1,186,400 cp (5.66%) còn VietinBank Capital nâng sở hữu lên 2,045,000 cp (9.59%).
Nói các cổ đông mới như ITL Group, VIX, S99… không lạ lẫm không phải bởi trước đó những đơn vị này đã sát cánh cùng SCIC tại SWC hay VTX, mà họ là những NĐT đã từng xuất hiện trước đó không lâu trong thương vụ thâu tóm CTCP Kho vận Miền Nam (HOSE: STG) và CTCP MHC (HNX: MHC).
Kết nối những mắt xích
Quay lại với đối tượng đầu tiên trong danh sách – STG. Cuối tháng 5/2015, cùng với việc thoái vốn của SCIC, cơ cấu cổ đông của STG đã thay đổi. Công ty QLQ Ngân hàng VietinBank (VietinBank Capital) nắm 18.04% vốn, quỹ Đầu tư khám phá giá trị Ngân hàng VietinBank – VVDIF (thuộc quản lý của VietinBank Capital) sở hữu 9.79% vốn STG. Tỷ lệ sở hữu của CTCP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (PTC) tại STG là 5.09% và S99 là 4.6%.
Một nhân tố cũng cần nói đến là CTCK IB (HNX: VIX). VIX dọn đường trước, trở thành cổ đông lớn sở hữu 14.7% vốn của STG không lâu trước khi SCIC thoái vốn và sau đó rút lui. VIX có quan hệ khá sâu sắc với những cổ đông lớn xuất hiện sau SCIC như đã từng đầu tư vào S99; cùng với S99, CTCP FTG Việt Nam và PTC thành lập quỹ VVDIF do VietinBank Capital quản lý với vốn điều lệ 100 tỷ đồng; CTCP FTP Việt Nam cũng đang sở hữu gần 21.6% vốn của VIX).
Như vậy, nếu các tổ chức như VVDIF, VietinBank Capital, S99 và PTC có thể quy về một mối với mắt xích là VIX như đã nói ở trên thì cộng gộp sở hữu tại STG lên đến trên 40% vốn.
Cùng với việc đổi chủ, STG đã có các bước đi mới trong hoạt động kinh doanh. Hàng loạt các quyết định liên quan đến tăng vốn, huy động thêm vốn đã được HĐQT đưa ra với mục tiêu thực hiện thâu tóm thêm những công ty cùng ngành. Điều này đã được hiện thực hóa với việc ĐHĐCĐ MHC đã chấp thuận cho STG nâng sở hữu tại công ty này lên 65% – một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics thị trường phía bắc.
Cũng cần chú ý là việc thâu tóm MHC của STG chắc hẳn sẽ không thuận buồm xuôi gió nếu không có “công lao” của nhóm cổ đông có liên quan đến VIX đã xuất hiện tại MHC ngay sau phiên giao dịch “lịch sử” ngày 21/09/2015 với 46% vốn được chuyển nhượng thông qua phương thức thỏa thuận và cũng nhanh ngồi vào “ghế” HĐQT. Mặc dù không có SCIC thoái vốn nhưng việc thâu tóm MHC cũng diễn ra rất nhanh gọn sau thông báo thoái gần 13% vốn kỳ lạ từ MBCapital.
Về với STG, đến lượt MHC bắt đầu “hành động”. Công ty này đã thực hiện thoái vốn khỏi “con gà để trứng vàng” HAH và nhanh chóng nâng sở hữu tại MAC lên hơn 11% (MAC là 1 trong 4 cổ đông lớn tại VTX với sở hữu gần 6%).
Như vậy, chỉ trong nửa cuối năm 2015 và đầu năm 2016, bóng dáng của cùng một nhóm nhà đầu tư đã nhanh chóng xuất hiện tại 5 công ty thuộc lĩnh vực logistics – STG, MHC, MAC, SWC và VTX.
Sơ đồ sở hữu giữa các bên liên quan
|
Tiềm lực từ đâu để “gom hàng”?
Không chỉ gây ấn tượng bởi khả năng thâu tóm cùng một lúc nhiều doanh nghiệp logistics, những tổ chức này còn gây ấn tượng bởi sự “phình to” trong cơ cấu tài sản trong năm 2015, chủ yếu đến từ phát hành và vay nợ. Đây cũng chính là nguồn tiền được các công ty nói trên sử dụng trong các thương vụ gia tăng sở hữu.
Với tần suất xuất hiện nhiều nhất, S99 có lẽ là đơn vị xông xáo nhất trong việc gom cổ phiếu của các doanh nghiệp logictis hậu SCIC với sự xuất hiện tại 4/5 đơn vị được nói đến ở trên, chưa kể S99 cũng đã bỏ ra 30 tỷ đồng để góp vốn vào VVDIF. Nguồn tiền mà doanh nghiệp này dùng để tham gia “cuộc chơi” xuất phát từ vốn cổ phần phát hành và vốn vay mới trong năm 2015 (tổng tài sản của S99 tại thời điểm cuối năm 2015 là 852 tỷ đồng, gấp 4 lần đầu năm). Trong năm 2015, S99 có 2 dòng tiền đi ra lớn nhất là tăng chứng khoán kinh doanh và chi góp vốn với giá trị mỗi mục gần 150 tỷ đồng; dòng tiền vào đến từ phát hành cổ phần và nhận vốn góp (245 tỷ và vay mới 176.8 tỷ). Cũng cần nói thêm, với đợt phát hành hơn 25 triệu cp tăng vốn đầu năm 2015, trong số hơn 11 triệu cp “ế” được phân phối lại thì “người quen” VietinBank Capital đã nhận về tới gần 1/3.
Cũng nhờ hoạt động mua bán cổ phiếu, S99 đã đảo ngược tình thế một cách ngoạn mục trong năm 2015 mặc dù kinh doanh chính không mấy khả quan (lãi gộp chỉ còn 1/10 cùng kỳ, biên lãi gộp vỏn vẹn hơn 2%). Tuy nhiên, dù ghi nhận gần 49.5 tỷ đồng lãi bán chứng khoán và các khoản đầu tư nhưng S99 cũng phải chịu khoản chi phí tài chính tăng đột biến trong năm. Có một số khoản mục xuất hiện lần đầu như lãi vay margin, ứng trước tiền gần 1.6 tỷ; dự phòng giảm giá gần 9 tỷ, trong khi lỗ do thanh lý các khoản đầu tư cũng tăng đột biến lên hơn 13 tỷ đồng.
VIX cũng là một mắt xích tiền đạo, thường lộ diện trước tiên trong các thương vụ tương tự S99. Công ty này vừa hoàn tất tăng vốn lên 607 tỷ đồng vào giữa năm 2015 (chào bán 30 triệu cp cho cổ đông hiện hữu và 0.9 triệu cp ESOP) và sau đó tiếp tục nâng vốn lên 668 tỷ đồng thông qua trả cổ tức bằng cổ phần. Nhu cầu vốn của VIX chưa dừng lại khi công ty liên tiếp đề cập và đã được thông qua phương án phát hành 35 triệu cp riêng lẻ cho cổ đông chiến lược tại ĐHĐCĐ bất thường tổ chức vào cuối quý 3/2015.
Đối với STG, dòng tiền của doanh nghiệp logistics này xuất hiện vào những tháng cuối năm 2015, cũng chủ yếu đến từ phát hành cổ phần và trái phiếu. STG đã thực hiện hai đợt phát hành tăng vốn từ mức hơn 83 tỷ đồng lên 276 tỷ đồng, trong đó đơn vị bảo lãnh phát hành không ai khác chính là VIX. Và cũng chính VIX là đơn vị mua gần 1.4 triệu cp “ế” trong đợt phát thứ hai của STG.
Bên cạnh đó, STG còn phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu có đảm bảo một phần tài sản, kỳ hạn 6 năm cho VietinBank chi nhánh TP.HCM. Tổng tài sản của STG tại thời điểm kết thúc năm tài chính 2015 đạt hơn 672 tỷ đồng, gấp gần 3 lần đầu năm.
Hàng loạt nhà đầu tư đã tham gia vào các thương vụ M&A, hướng đến 5 doanh nghiệp logistics. Ai thực sự là “nhà cái” hay tất cả họ đơn giản chỉ là người “chia bài”?
ITL Corp – Nhân tố bí ẩn luôn xuất hiện muộn
Sơ đồ sở hữu cho thấy đầu mối thâu tóm gồm 5 đơn vị là FTG Vietnam, S99, VietinbankCapital và ITL Corp; cùng với 4 trung gian là VIX, SCI, PTC và VVDIF. Ngoài ra những đơn vị bị thâu tóm cũng được đưa vào ma trận mua bán cổ phần này.
Trong nhóm đầu mối, FTG Vietnam hay Vietinbank Capital hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư tài chính và nguồn vốn.
S99 thuộc lĩnh vực xây dựng nhưng những năm gần đây thì đầu tư tài chính đang lấn át. Sự thay đổi trong hoạt động này gắn liền với việc S99 đã rút khỏi “họ Sông Đà” khi đổi chủ trong năm 2014. VIX là cổ đông lớn tại đây trong năm này. VietinBank Capital tham gia sau đó khoảng 1 năm khi mua 3.5 triệu cp S99 từ đợt phân phối cp “ế” và tiếp tục mua thêm 3 triệu cp sau đó vài ngày. Tính đến cuối tháng 6/2015, sở hữu của 2 tổ chức này lên tới gần 23% vốn của S99 nhưng đều đã thoái vốn sau đó. Hiện tại, trong cơ cấu cổ đông lớn của S99 đều là cá nhân đứng tên sở hữu.
Như vậy, xét trong nhóm đầu mối, chỉ còn CTCP Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần (ITL Corp) là nhân tố cần chú ý hơn cả. Mặc dù không mua vào – bán ra liên tục nhưng ITL Corp luôn xuất hiện với sở hữu rất lớn và thường là “ông chủ cuối cùng lộ diện” sau khi nhóm VIX “làm mưa làm gió”.
Mối quan hệ sở hữu trực tiếp giữa ITL Corp và 5 doanh nghiệp logistics trên sàn
|
Hiện ITL Corp đang sở hữu gần 2 triệu cp, tương đương 14.37% vốn của STG; gần 4.8 triệu cp, tương đương 7.12% vốn của SWC; đồng thời cũng đang nắm gần 4.8 triệu cp, tương đương 22.87% vốn của VTX. Nếu tính theo thị giá chốt phiên 26/02, tổng số cổ phần này trị giá hơn 160 tỷ đồng. Cũng cần lưu ý rằng, đây mới chỉ là con số mà ITL Corp đang sở hữu trực tiếp, chưa tính các khoản ủy thác hay “đứng tên hộ” nếu có.
Theo thông tin trên bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500), ITL Corp tiền thân là Công ty TNHH Giao nhận Indo Trần (ITL) thành lập năm 1999 và hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa quốc tế. Năm 2007, Công ty đổi tên thành CTCP Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần (ITL Corp) và mở rộng thêm lĩnh vực hoạt động. ITL Corp chuyên cung cấp dịch vụ giao nhận vận tải, đại diện hàng không và đại lý hàng không tại thị trường Việt Nam. Hiện công ty là đại diện của 9 hãng hàng không tại Việt Nam và khai thác hơn 70 chuyến bay thẳng từ TP.HCM và Hà Nội đi khắp thế giới cho các hãng khác như: Thai Airways (Thái Lan), Qatar Airways (Mỹ). Bên cạnh đó, ITL Corp còn được Hiệp hội hàng không quốc tế (IATA) xếp hạng số 2 trong 10 công ty giao nhận vận chuyển hàng không lớn nhất tại Việt Nam.
Cơ cấu sở hữu của ITL Corp bao gồm Singapore Post (Singapore), Ceva Logistics (Hà Lan) và Keppel Logistics (Singapore). Cuối năm 2011, để nhận được 30% cổ phần của ITL Corp, Singapore Post – nhà cung cấp các giải pháp bưu chính, logistics, và bán lẻ tại Singapore và khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đã phải trả giá gần 11 triệu USD.
ITL Corp và Keppel Logistics cũng đã thành lập liên doanh Indo-Trans Keppel Logistics vào năm 2008. Năm 2010, liên doanh này cùng với CTCP SXKD XNK DV & ĐT Tân Bình – Tanimex (HOSE: TIX) thành lập một liên doanh mới nhằm cung cấp dịch vụ hậu cần Logistics độc quyền bên trong KCN Tân Bình, TP.HCM.
Theo giới thiệu trên website của Indo-Trans Keppel Logistics, hiện đơn vị này đang quản lý 9 trung tâm điều phối logistics trên toàn quốc với diện tích lên tới 70,000 m2 và 350 phương tiện vận chuyển các loại. Đối với CEVA Logistics, công ty quản lý chuỗi cung ứng hàng đầu thế giới đã liên doanh với ITL Corp để thành lập CEVA Logistics (Vietnam) Co, trụ sở chính của liên doanh được đặt tại TP.HCM.
Đầu tháng 9/2015, tập đoàn đầu tư toàn cầu Franklin Templeton cũng cho biết sẽ rót gần 16 triệu USD vào ITL Corp. Cũng trong thông cáo này của Franklin Templeton, doanh thu cho năm tài chính 2014 của ITL Corp đạt hơn 110 triệu USD, đồng thời ITL Corp cũng được xếp trong số 3 công ty logistics hàng đầu Việt Nam (theo Hiệp hội Logistics Việt Nam – VLA)